Di tích lịch sử Vùng Bắc Chan căn cứ của Khu 8 trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp – Địa điểm tiến hành Đại Hội tỉnh Đảng Bộ đầu tiên tỉnh Mỹ Tho tháng 1 năm 1953 (Ấp Bắc Chan II – Xã Tuyên Thạnh – thị xã Kiến Tường – Tỉnh Long An)
I. TÊN GỌI DI TÍCH:
Bắc Chan trong quá khứ là địa danh của một vùng đất tràm mọc thành rừng, sông rạch chằn chịt. Ngày nay là tên của một ấp thuộc xã Tuyên Thạnh nằm ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây cách thị trấn Mộc Hóa 4km. Về tên gọi của vùng này theo các bậc lão thành ở địa phương thì Bắc Chan là từ đọc trại ra của từ "Trpach" của người Khơme đó cũng là một cách giải thích tuy nhiên các tài liệu, sách vỡ chưa thấy có một lý giải khoa học nào.
Tháng 3 năm 1946 khi Khu 8 được thành lập trở lại đã chọn vùng Bắc Chan là căn cứ đầu tiên để củng cố và xây dựng lực lượng lâu dài. Cũng chính nơi đây tháng 1/1953 đã diễn ra đại hội tỉnh Đảng bộ đầu tiên tỉnh Mỹ Tho.
Ngày nay lịch sử đã sang trang nhưng bao sự kiện trọng đại ấy trong buổi đầu kháng Pháp trên chiến khu Đồng Tháp Mười vẫn mãi gắn liền với vùng Bắc Chan lịch sử.
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:
1/ Địa điểm phân bố:
Di tích vùng Bắc Chan tọa lạc ở ấp Bắc Chan II, Xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, nằm về hướng Tây Bắc thị xã Tân An – Long An.
Ngược dòng lịch sử mới thấy rằng địa điểm phân bố của di tích vùng Bắc Chan trên vùng đất mang tên Mộc Hóa ngày nay đã trãi qua nhiều biến đổi về địa giới và đơn vị hành chính. Đất Nam Bộ xưa thuộc Thủy Chân Lạp, từ thế kỷ XVI đã có lưu dân người Việt vào đây sinh sống. Kể từ lúc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu đi kinh lược Cao Miên năm 1698 lấy đất Đông Phố lập Phủ Gia Định xác lập đơn vị hành chính đầu tiên trên đất Nam Bộ ngày nay cho đến thế kỷ XVIII vùng đất bao la mang tên Mộc Hóa ngày nay vẫn chưa có tên gọi rõ rệt Trịnh Hoài Đức một Đại Thần nhà Nguyễn tác giả bộ Gia Định Thành Thông Chí cũng chỉ gọi những cánh đồng năng, bàng, những rừng tràm bạc ngàn này là vùng "Trpach" tức là cái đầm to rộng. Theo qui hoạch đời Gia Long nó thuộc Tổng Kiến Phong huyện Kiến Đăng trấn Định Tường tỉnh Gia Định.
Đến năm 1836 tức sau khi dẹp cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, Minh Mạng chia Nam Kỳ làm 6 tỉnh và đổi Phiên An thành tỉnh Gia Định thì bấy giờ vùng đất này mới thuộc hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa. Di tích lúc bấy giờ thời điểm đó thuộc huyện Quang Hóa tỉnh Tây Ninh, Tỉnh Gia Định.
Mãi đến năm 1867 khi Pháp lập chế độ tham biện (ngày 5/6/1867) tên Tổng Mộc Hóa mới thấy xuất hiện trên Công báo Nam Kỳ là một trong 6 Tổng thuộc khu tham biện Quang Hóa. Ngày 7/6/1871 Thống đốc Nam Kỳ Duypré (Dupré) ra nghị định điều chỉnh các khu tham biện từ 24 xuống còn 18 đơn vị. Khu Tham Biện Tân An nhận thêm phần đất Trảng Bàng và Tổng Mộc Hóa. Di tích bây giờ thuộc Tổng Mộc Hóa khu Tham Biện Tân An đặt dưới sự kiểm soát của Hạt Mỹ Tho.
Năm 1899 Chế độ Tham Biện được thay bằng chế độ Tỉnh trưởng Khu Tham Biện Tân An trở thành Tỉnh Tân An ngày 1/1/1900. Đến năm 1914 chính quyền thuộc địa lập Tổng lớn Mộc Hóa gồm 21 làng di tích lúc này thuộc làng Tuyên Thạnh Tổng Mộc Hóa – tỉnh Tân An. Năm 1916 Quận Mộc Hóa được thành lập (phần đất gồm cả Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa ngày nay) di tích lúc ấy thuộc Tổng Mộc Hóa thượng quận Mộc Hóa (một trong 4 quận) Tỉnh Tân An.
+ Giai đoạn 1945 – 1954:
Phía ta: 8- 1945 Tuyên Thạnh là 1/17 xã thuộc huyện Mộc Hóa, năm 1951 ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ ra quyết định lập tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở xác nhập 3 xã Thủ Thừa, 7 xã tỉnh Sa-Đéc và Mộc Hóa, di tích nằm trong địa giới hành chính này được 16 tháng thì giải thể. Sau đó tách ra và Mộc Hóa trở thành một huyện của tỉnh Mỹ Tho.
+ Giai đoạn 1954 – 1975:
Ngày 17/2/1956 Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 21/NV lập tỉnh Mộc Hóa, đến 22/10/1956 Diệm lại ban hành sắc lệnh 143/NV đổi tỉnh Mộc Hóa thành tỉnh Kiến Tường, tỉnh lỵ đóng ở Gò Bắc Chiêng (thị trấn Mộc Hóa ngày nay) di tích lúc này thuộc xã Tuyên Thạnh là Quận lỵ Quận Châu thành Tỉnh Kiến Tường, về phía ta địa giới này tương ứng với vùng II.
Sau ngày Miền Nam giải phóng ngày 3/3/1976 theo quyết định của Hội Đồng chính Phủ Tỉnh Long An mới được thành lập gồm: Long An cũ nhập với Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa và tỉnh Kiến Tường. Kiến Tường trở thành một huyện của Tỉnh Long An với tên Mộc Hóa.
Ngày nay di tích vùng Bắc Chan thuộc xã Tuyên Thạnh huyện Mộc Hóa – Tỉnh Long An. Mộc Hóa ngày nay là Mộc Hóa mới gồm 8 xã, những phần đất còn lại là của huyện Vĩnh Hưng Tân Thạnh và Thạnh Hóa.
2/ Đường đi đến di tích:
Đến thăm lại căn cứ xưa của Khu 8 thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Đồng Tháp Mười, vùng Bắc Chan, ta đi bằng hai đường thủy bộ đều thuận tiện.
Từ Thị Xã Tân An theo tỉnh lộ 831 đi 68km đến Thị Trấn Mộc Hóa, tiếp tục theo đường này đến cầu Mộc Hóa rẽ trái đi 4km đến ngã ba Tuyên Thạnh, rẽ trái đi 2km là đến di tích.
Theo sông Vàm Cỏ Tây đến địa phận xã Tuyên Thạnh phía hữu ngạn gặp Vàm Bắc Chan rẽ vào theo rạch Bắc Chan đi khoảng 2km là đến di tích.
II. SỰ KIỆN VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Năm 1945 cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chấm dứt hơn gần 100 năm ách nô lệ của thực dân Pháp. Thế nhưng nền độc lập chỉ vỏn vẹn một tháng chính quyền non trẻ của ta lại phải đương đầu với một thử thách mới trong lịch sử chống ngoại xâm. Thực dân pháp tái xâm lược nước ta lần thứ hai mà khởi điểm là 0 giờ ngày 23/9/1945 quân đội thực dân trong quân phục Hoàng Gia Anh đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, thực hiện kế hoạch trở lại Đông Dương do Tướng Lơ-CLéc và Bộ Tham mưu Viễn chính Pháp vạch ra từ ngày 24/8/1945.
Ngay ngày 23/9/1945 Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp Hội nghị ở đường cây Mai (Chợ Lớn) quyết định: Một mặt điện báo quyết tâm lên Trung Ương Đảng và Chính Phủ, mặt khác lập tức phát động cuộc kháng chiến chống xâm lược. Quân dân Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định triển khai ngay cuộc chiến đấu ngăn chặn và bao vây địch trong Thành Phố, mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh trên đất Nam Bộ.
Các sự kiện diễn ra dồn dập trong những ngày cuối tháng 9 năm 1945 nhanh chống lang tỏa ra các Tỉnh Nam Bộ tác động sâu sắc đến đời sống chính trị xã hội vốn đang rất sôi động từ sau Cách mạng tháng 8, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười thuộc các Tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Sa Đéc.
Ngày 23/10/1945 sau thời gian co cúm ở Sài Gòn Chợ Lớn, có thêm viện binh Lơ-Cléc bắt đầu thực hiện bước 3 trong kế hoạch đánh chiếm Nam Bộ đầu tiên là các Tỉnh ven Sài Gòn. Đồng Tháp Mười đứng trước nguy cơ bị chiếm đóng, đến ngày 24/10/1945 thì Tân An và Mỹ Tho tỉnh lỵ của hai Tỉnh quan trọng gắn với Đồng Tháp Mười đã rơi vào tay quân Pháp.
Trước tình hình cuộc chiến tranh đang lan rộng với nhịp độ khẩn tốc để kịp thời đối phó, ngày 25/10/1945 Hội nghị cán bộ Đảng Nam Bộ đã được triệu tập ở Hậu Mỹ cái Bè Mỹ Tho bàn bạc nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến.
Sau hội nghị Xứ, ngày 30/10/1945 tại SaĐéc Phạm Hữu Lầu, Trần Thị Nhượng, Nguyễn Hữu Xuyến, Nguyễn Kiều họp Hội nghị quyết định:
- Xây dựng căn cứ kháng chiến và cơ sở Hậu Cần ở Đồng Tháp Mười.
- Sắp xếp lại địa bàn, mở trại huấn luyện lập bộ phận chuyên lo vũ khí.
Trước sức tấn công ào ạt của quân đội Pháp trong tình thế tương quan lực lượng không ngang sức các cơ quan đầu não kháng chiến ở Nam Bộ trong khi chờ đợi chỉ thị của Trung Ương Đảng và Chính Phủ đã ra những quyết định linh hoạt trên tình hình địa phương nhằm kìm hãm bớt sức tấn công của Pháp và cũng cố xây dựng lại lực lượng kháng chiến lâu dài. Cho đến cuối tháng 11/1945 thực dân Pháp đã mở thông được các đường số 20 Sài Gòn – Đà Lạt, đường số 13 Sài Gòn – Lộc Ninh, đường số 1 và 22 Sài Gòn – Tây Ninh, đường số 16A (nay là QL I) Sài Gòn – Mỹ Tho trước tình hình khó khăn phức tạp mới này ngày 25/11/1945 Trung Ương Đảng ra chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" chỉ thị nêu rõ ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trung Ương quyết định chia nước ta làm 9 chiến khu, trong đó Nam Bộ có 3 chiến khu: Khu 7, Khu 8 và Khu 9.
Nhận được chỉ thị của Trung Ương (do Đ/C Đàm Minh Viễn mang vào cuối tháng 11/1945) (ngày 10/12/1945 bên bờ hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Bình Hòa Nam Xứ Ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng, dự hội nghị có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt cùng nhiều xứ ủy viên, cán bộ quân sự. Hội nghị quyết định giải thể Ủy Ban kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ, thành lập Ủy Ban kháng chiến Nam Bộ do Cao Hồng Lĩnh làm Chủ Tịch hội nghị chia Nam bộ làm ba khu quân sự hành chính gọi là Khu 7, khu 8, khu 9, chỉ định khu bộ trưởng và chủ nhiệm chính trị bộ từng khu, đề ra các biện pháp củng cố lực lượng vũ trang xây dựng các chi đội về quốc đoàn và lấy Tân Uyên là căn cứ địa cho khu 7 Đồng Tháp Mười cho Khu 8 và U Minh cho Khu 9.
Khu 8 được thành lập gồm: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, SaĐéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Khu bộ Trưởng là Đào Văn Trường, Lê Văn Sĩ làm chủ nhiệm chính trị Bộ, Trương Văn Giàu làm khu bộ phó. Sang đầu năm 1946 Pháp tiếp tục đưa quân đánh các tỉnh còn lại ở Miền Tây Nam Bộ. Ngày 23/1/1946 Pháp dùng một lực lượng lớn đánh chiếm Thị Xã SaĐéc, Tỉnh cuối cùng của Đồng Tháp Mười đã rơi vào tay Pháp.
Trước tình thế địch đang mạnh, khu bộ Khu 8 (trên thực tế sau khi được chỉ định thành lập trong hội nghị Xứ Ủy ngày 10/12/1945 ở Bình Hòa Nam khu bộ Khu 8 chưa hoạt động được ngày nào) do những điều kiện chủ quan và khách quan coi như tan rã, rút về Bạc Liêu hợp cùng Khu 9 bám trụ đánh du kích, một số rút ra Nam Trung Bộ chờ thời cơ tiếp tục chiến đấu. Địa bàn Đồng Tháp Mười chỉ còn lại một số lực lượng vũ trang không đáng kể khoảng 100 súng trường, súng lửa và hai trung liên, mỗi súng không quá 10 viên đạn.
Trước tình hình các lực lượng vũ trang ở Miền Tây và Nam trung Bộ bị phân tán, tháng 3/1946 theo gợi ý của Đ/C Lê Duẩn, Đ/C Trần Văn Trà (lúc ấy là ủy viên chính trị của Giải Phóng quân liên quận HócMôn- Bà Điểm – Đức Hòa) từ Khu 7 cùng một số cán bộ về Đồng Tháp Mười củng cố lại Khu 8 đang gặp rất nhiều khó khăn trước sức tiến công của thực dân Pháp. Cùng đi với ông có hai trung đội được trang bị mạnh của giải phóng quân liên quận. Sau khi đi các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn nắm tình hình, Trần Văn Trà triệu tập một số hội nghị ở Bến Kè (Thị Trấn Thạnh Hóa ngày nay) có Nguyễn Văn Vịnh, Lê Trí Giảng, Lê Văn Tưởng, Nguyễn Văn Siêu dự. Hội nghị quyết định:
- Xây dựng Đồng Tháp Mười thành căn cứ của khu và giao cho Nguyễn Văn Trí phụ trách việc xây dựng.
- Thống nhất lực lượng các tỉnh lại để xây dựng khu 8 do Trần Văn Trà làm khu bộ trưởng.
Cơ quan khu bộ do Trung Ương chính thức chỉ định gồm có:
1/ Trần Văn Trà – Khu bộ Trưởng
2/ Nguyễn Văn Vịnh – Chính ủy
3/ Trương Văn Giàu – Khu bộ phó
4/ Nguyễn Văn Quạng – Khu bộ phó liêm tham mưu trưởng
5/ Nguyễn Văn Trí – Phó chính ủy
Lực lượng của Khu 8 được thành lập đầu tiên xây dựng chi đội 14 từ hai trung đội do đồng chí Trần Văn Trà dẫn về cùng lực lượng của Nguyễn Văn Vịnh, Lê Trí Giảng ở Mỹ Tho, Nguyễn Văn Siêu (Trung quận Chợ Lớn) và Lê Văn Tưởng (Thủ Thừa - Tân An).
Khu 8 từ sau khi chính thức được thành lập trở lại, việc tiến hành tìm một địa điểm để lập căn cứ của khu nhằm củng cố và xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài đã trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách. Được sự giúp đỡ tích cực nhiều mặt của ông Nguyễn Văn Lại là chủ tịch huyện Mộc Hóa, Nguyễn Văn Trí tiến hành nghiên cứu địa hình, lập sơ đồ đã chọn vùng Bắc Chan – Tuyên Thạnh làm căn cứ. Tuyên Thạnh là một xã của vùng căn cứ nằm ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây, cách Trung tâm thị xã Kiến Tường 4km về hướng Tây Bắc. Xã lúc ấy có khoảng 5000 dân sống bằng nghề nông. Nơi đây có thôn xóm vườn cây rậm rạp nhiều kênh rạch như: Rạch Cá Rô, Cá Cát, Cả Sậy, Rạch Gò Ớt, nhất là Rạch Bắc Chan chạy dài từ Vàm Cỏ Tây đến Cống Biện Minh (Hậu Thạnh) nối liền Kênh Dương Văn Dương trở thành một tuyến giao thông cực kỳ quan trọng và an toàn trong thế tiến thoái khi Bắc Chan là đầu não của Khu 8. Sau tháng 8/1945 cũng tại Bắc Chan – Tuyên Thạnh bộ đội và các lực lượng khác tập trung về đây rất đông để Khu 8 bố trí. Nói chung Tuyên Thạnh rất thuận lợi về địa lý và nhân tâm là nơi lý tưởng để Khu 8 lập căn cứ.
Trong thời gian đầu cực kỳ gian khổ, để tạo ra một tiềm năng nhằm trụ vững và kháng chiến lâu dài trên chiến khu Đồng Tháp Mười, khu bộ Khu 8 bằng mọi nổ lực đã xây dựng trên vùng Tuyên Thạnh này những cơ sở vật chất cần thiết cho vùng căn cứ, đó là các Bệnh Viện, Công Binh Xưởng, Cơ quan Khu bộ…
Việc đầu tiên khu bộ nghĩ đến là lập bệnh viện. Trong giai đoạn này bệnh viện được dựng lên bằng tràm, lợp bằng đưng, lác trên mảnh đất hoang của ông Võ Hữu Chí (nay là đất của ông Võ Tấn Mạnh ở ấp Bắc Chan II). Lúc ấy do yêu cầu đòi hỏi phải có Y, Bác Sĩ, Đ/C Trần Văn Trà và Đ/C Nguyễn Văn Vịnh đến tỉnh ủy Tân An chịu trách nhiệm trước ông Nguyễn Văn Trọng bảo lãnh Y Sĩ Võ Tấn Ca là người của Pháp về làm bệnh viện trưởng, đoái công chuột tội. Bệnh viện đầu tiên của Khu 8 đã ra đời như thế và phục vụ khá tốt cho chiến trường khu 8. Ở Bắc Chan thời kỳ này khu bộ trưởng Trần Văn Trà ở và đóng văn phòng tại nhà ông Lâm Văn Giám (nay là nhà ông Lâm Văn Hiệp Ngọn Bình Tây- Bắc Chan II) dãy nhà làm việc và bộ phận đánh máy phát hành công văn ở nhà ông Nguyễn Văn Tịnh (hiện nay là nhà ông Tô Văn Giáp ở Ngọn Bình Tây- Bắc Chan II). Để phục vụ cho công tác hành chính khu bộ cũng thành lập ở Bắc Chan một Xưởng giấy chế biến từ nguyên liệu tại chỗ là đưng lát bàng tràm…. Xưởng giấy nằm trên mảnh đất nay là Khu vực nhà bà Võ Thị Dọn và ông Nguyễn Văn Tắc (Bắc Chan II – Tuyên Thạnh). Ở đây không những xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kháng chiến mà còn là nơi tập trung lực lượng huấn luyện. Thời kỳ này nơi tập trung huấn luyện và đóng quân ở nhà ông Lâm Văn Ngô (nay là nhà bà Lâm Thị Lan Ngọn Bình Tây – Bắc Chan II). Các lực lượng do khu bộ trưởng Trần Văn Trà và các lực lượng khác ở Mỹ Tho – Tân An sau khi được huấn luyện về chiến thuật ở đây đã ra quân lần đầu chiến thắng trận kênh 12 nổi tiếng diệt gọn một lực lượng lớn quân Pháp tiến xuống từ ngã tư Lơ-grăng (Lagorange).
Từ sau chiến thắng này Bắc Chan – Tuyên Thạnh trở thành nơi đào tạo và phân phối lực lượng, mỗi tỉnh nhận một trung đội tự bố trí lực lượng hoạt động và phát triển. Khu 8 từ sau khi được thành lập các lực lượng vũ trang phát triển không ngừng, vũ khí trở thành một đòi hỏi cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Khu Ủy Khu 8 nhanh chống bổ nhiệm đồng chí Lê Minh Quang làm Giám Đốc Công Binh Xưởng số 1. (Công binh Xưởng số 2 của Khu 8 sau này được thành lập ở Bến Tre do ông Võ Tấn Nhất phụ trách). Công Binh Xưởng số 1 đặt tại căn cứ cây Vông – Đồng Tháp. Lực lượng được tập hợp từ công nhân quân giới ở Tân An – Mỹ Tho. Binh Công Xưởng số 1 Khu 8 lúc này được kiện toàn gồm:
- Bộ phận lò đúc, bao bì đạn
- Bộ phận "Rờ sạc".
- Bộ phận tiện, nguội, rèn, gò, hàn.
Riêng ở chiến khu Bắc Chan có hai bộ phận: đó là bộ phận "Rờ -sạc" tức bộ phận chuyên tái chế, làm lại đạn, sửa súng và bộ phận tiện, nguội, rèn, gò, hàn…
Xưởng "Rờ-sạc" ở bắc Chan được xây dựng bằng tràm, dựng bằng đưng lá bần. khi có biến có thể hạ xuống và các thiết bị có thể ngụy trang mang theo phương châm "Tiểu qui mô có động linh hoạt,dể khi chuyển khi cần thiết phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang phải tiến hành cuộc chiến tranh chống lại quân đội xâm lược nhà nghề.
Xưởng "Rờ -sạc" vào thời điểm ấy nằm trên mảnh đất rộng khoảng 50m dài 70m của ông Trần Văn Viễn (nay là đất của bà Trần Thị Nhường -ấp bắc Chan II cạnh rạch Ngã Tư).
Bộ phận đốt than, tiện, nguội, lò rèn, nằm ở nhà ông Lâm Văn Mười (Bắc Chan II)
Trong buổi đầu kháng chiến còn nhiều khó khăn về nguyên liệu thiết bị kỹ thuật. Xưởng "Rờ- sạc" ở Bắc Chan là nơi cung cấp vũ khí chủ yếu cho lực lượng vũ trang khu 8 hoạt động trên chiến trường Tân An, Mỹ Tho, Mộc Hóa… Hơn thế nữa, chúng ta có thể nói rằng Bắc Chan là nơi đã góp phần vào sự nghiệp khai sinh ngành Quân Giới Khu 8 trong lịch sử hình thành ngành Quân Giới Nam Bộ 9 năm kháng chiến.
Giữa tháng 7/1946 lợi dụng trời mưa to nước lớn, thực dân Pháp sử dụng một lực lượng lớn tiến chiếm Mộc Hóa. Cơ quan khu bộ khu 8 rút về kênh Dương Văn Dương an toàn.
Như vậy kể từ lúc Đ/C Trần Văn Trà nhận chỉ thị của Đ/C Lê Duẩn (bí thư Xứ Ủy cho đến đầu tháng 7/1946 Bắc Chan đã trở thành căn cứ đầu tiên, là chiếc nốp cách mạng bước đầu ổn định thế và lực của Khu 8 trụ vững trên Đồng Tháp Mười. Nó đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong sự hình thành chiến khu Đồng Tháp Mười, một chiến khu vang danh trên thế giới đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Pháp và là niềm tự hào của dân tộc bất diệt.
Trong quá trình hình thành căn cứ Bắc Chan chúng ta không thể không cảm phục trước tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực cánh sinh trí sáng tạo tuyệt vời của Khu 8 và nhân dân Tuyên Thạnh, cũng như sự lựa chọn sáng suốt của khu Ủy trong việc chọn Bắc Chan làm chiến Khu.
Căn cứ bắc Chan được hình thành đã trở thành một mắc xích trọng yếu trong sự liên hoàn với các căn cứ khác trên chiến khu Đồng Tháp Mười, một hành lang kháng chiến nối liền Miền Đông và Miền Tây.
Việc xây dựng Bắc Chan thành căn cứ cách mạng để củng cố và xây dựng lực lượng ban đầu, thể hiện khu bộ khu 8 từ rất sớm đã có một tầm nhìn chiến lược trên quan điểm về phát triển chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự kế thừa những kinh nghiệm lịch sử quí báu về căn cứ địa chống Pháp của Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều trên đất Đồng Tháp Mười trong những năm 1864 – 1866. Sự đúng đắn mang tính chiến lược này góp phần quyết định cho khu 8 trụ vững lâu dài trên chiến khu Đồng Tháp Mười mà những đứa con tinh thần là chi đội 99 – 105 – 111 – 115 – 120 và các Tiểu đoàn độc lập 307 – 308 – 309 – 358 …. Đã gieo cho thực dân Pháp bao nỗi kinh hoàng trong lịch sử chống xâm lược.
Cuối năm 1946 địch rút khỏi Đồn Cái Rưng rồi Bắc Chan chỉ còn Đồn Mộc Hóa. Đồn Mộc Hóa trở nên cô độc bị du kích địa phương bao vây liên tục. Đầu năm 1948 bằng trận chiến thắng Mộc Hóa ta bứt rút bứt hàng làm địch tiêu hao nặng. Giữa năm 1949 Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Tân An được tiến hành tại Bắc Chan địa điểm tại nhà ông Võ Văn Hộ (nay là nhà Võ Thị Ngâu - ấp Bắc Chan II) để bầu lại Ban Chấp Hành do Huỳnh Châu Sỡ (tức đồng chí Năm Bê) làm Bí Thư, Đ/C Trần Văn Phước là phó Bí Thư, đồng thời Đại hội cũng đề ra nhiệm vụ mới trong đó trọng điểm là phát triển chiến tranh du kích mở rộng vùng giải phóng. Trên tinh thần Đại hội chiến tranh du kích phát triển mạnh đã liên tục bao vây địch, đến cuối năm 1949 địch phải rút khỏi Đồn Mộc Hóa, Xã Tuyên Thạnh hoàn toàn giải phóng. Khu 8 tiếp tục triển khai sản xuất vũ khí, lò than mới được đặt ở Gò Ớt trên đất ông Lê Văn Hía, trong giai đoạn 1951 Hộ sinh viên Huỳnh Thúc Kháng cũng về đóng ở ấp Sò Đô tại đám tràm của Ông Nguyễn Văn Triệu.
Sang năm 1949 – 1950 tính chất chiến trường có nhiều thay đổi, ta từ thế phòng ngự "gấp rút hoàn thiện nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công" (1). Ở Miền Bắc ta thắng lớn trong chiến dịch Biên Giới, ở Đồng Tháp Mười chiến thắng ở chiến dịch Cầu Kè, Cao Lãnh làm cho thực dân pháp càng điên cuồng, hiếu chiến, chúng tập trung càn quét đánh mạnh vào các chiến khu nhất là vùng Đồng Tháp Mười nhằm chiếm lại những vùng ta đã giải phóng.
Tháng 5/1951 để đối phó phù hợp với tình trạng chiến trường bị chia cắt, Xứ Ủy Nam Bộ quyết định phân chia lại chiến trường, sắp xếp lại lực lượng, kiện toàn tổ chức trên toàn Nam Bộ, các khu 7 – 8 – 9 được giải thể, Nam Bộ phân thành hai phân liên khu: Phân liên khu Miền Đông và phân liên khu Miền Tây (lấy sông Tiền Giang làm ranh giới địa lý). Tỉnh căn cứ Đồng Tháp Mười giải thể các tỉnh cũ Tân An, Gò Công, Mỹ Tho hợp lại thành tỉnh Mỹ Tho mới (thường gọi là Tân Mỹ Gò) thuộc phân liên khu Miền Đông. Tỉnh Mỹ Tho do ông Phạm Hữu Lầu làm bí thư tỉnh ủy, Ngô Ngọc Sáng làm chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến hành chính, Nguyễn Văn Chim, Nguyễn Văn Công tỉnh đội trưởng.
(1) Văn kiện Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng 1950.
Tỉnh Mỹ Tho mới ra đời đã kịp thời góp phần sắp xếp lại chiến trường, kiện toàn tổ chức, củng cố một bước căn bản về chỉ huy tổ chức chiến trường và thích ứng với hoàn cảnh, khắc phục được tình trạng bị động do địch phong tỏa chia cắt địa bàn.
Đến tháng 1/1953 Đại hội tỉnh Đảng bộ đầu tiên tỉnh Mỹ Tho đã được tiến hành tại Bắc Chan xã Tuyên Thạnh. Hội nghị được tiến hành trên một khu vực rộng lớn nằm trong rừng tràm của vùng Bắc Chan trên mảnh đất ông Trần Văn Tròn (nay là khuôn viên nhà ông Trần Hữu Phước cạnh con rạch Bắc Chan ấp Bắc Chan II xã Tuyên Thạnh). Lúc ấy cơn lục cuối năm 1952 vẫn còn ảnh hưởng cho nên Đại hội tiến hành trên ngôi nhà sàn tự nhiên, cột là những gốc tràm, xung quanh được lợp bằng đưng, lát, nóc được che bằng tấm bạt lớn. Trên dưới 200 Đại biểu các tổ chức Đảng, cơ quan, quân dân đơn vị vũ trang về dự đông đủ. Tại đây Đại hội tiến hành trong 3 ngày sau đó vì lý do An Ninh Đại hội di chuyển về Cá nga – xã Vĩnh Lợi tiếp tục 3 ngày nữa mới kết thúc.
Đại hội đã nhận định tình hình của tỉnh Mỹ Tho hiện nay không còn vùng căn cứ rộng, phần lớn là vùng du kích và bị tạm chiếm. Trên cơ sở đó đại hội đã đề ra nhiệm vụ đối với vùng tạm chiếm là đấu tranh bảo vệ người và của, liên tục không cho địch thực hiện âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, người Việt đánh người Việt". Đối với vùng du kích là xây dựng cơ sở bí mật, các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối bí mật. Đại hội đã sôi nổi thảo luận phương châm hoạt động 3 vùng của Trung Ương. Sau đó tỉnh ủy phổ biến chính sách địch ngụy vận, Hòa Hảo vận xuống các cơ sở. Sau một tuần lễ tiến hành đại hội đã bầu ra 21 Tỉnh ủy viên. Ban thường vụ gồm:
1/ Bí thư kiêm phó chủ tịch: Nguyễn Văn Mùi – bí danh Nguyễn Thống (tức ông Nguyễn Minh Đường).
2/ Phó bí thư Nguyễn Văn Chấn – Phụ trách dân vận.
3/ Phó bí thư Nguyễn Văn Chim – Phụ trách tổ chức.
4/ Thường vụ Tỉnh Ủy Nguyễn Văn Côn – phụ trách công an.
5/ Thường vụ Tỉnh Ủy Nguyễn Văn Công – phụ trách tỉnh đội.
6/ Thường vụ tỉnh Ủy Nguyễn Văn Minh – chính trị viên Tỉnh đội.
7/ Nguyễn Hồng Nam – Trưởng ban tuyên huấn.
Đây là ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Mỹ Tho mới được bầu ra trong lần đại hội đầu tiên của tỉnh Đảng bộ. Đại hội Tỉnh Ủy đầu tiên tỉnh Mỹ Tho ở Bắc Chan – Tuyên Thạnh đã củng cố thêm một bước về mặt tổ chức, đồng thời cũng quán triệt hơn về đường lối từ chỉ thị 5 điểm của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Nam Bộ và phân liên Khu ủy Miền Đông gởi xuống năm 1953. trong đó quan trọng nhất là tăng cường công tác địch hậu, dân vận phát triển chiến tranh du kích và chỉnh quân, chỉnh Đảng, chỉnh cán bộ để Tỉnh đến tổ chức.
Đại hội tỉnh ủy Mỹ Tho ở Bắc Chan đã chấm dứt thời kỳ bất ổn định đầy khó khăn 1951 – 1952 trên địa bản Đồng Tháp Mười do chính sách "Bình Định" của Pháp.
Đại hội tỉnh ủy Mỹ Tho ở Bắc Chan là một bước ngoặc quan trọng và tạo ra những chuyển biến đầy thuận lợi, cùng cả nước trong chiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Đồng Tháp Mười.
Chín năm trường kỳ kháng Pháp, Bắc Chan chịu đựng bao gian khổ hy sinh, sâu đậm mà hào hứng chứa đựng nơi đây bao sự kiện lịch sử trọng đại nhất là thời kỳ đầu tay không tấc sắt. Chúng ta có quyền tự hào mà nói rằng: Bắc Chan – Mộc Hóa là chiếc nôi cách mạng.
IV.LOẠI DI TÍCH:
Thuộc loại di tích lịch sử.
"Vùng Bắc Chan" là di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc của quân, dân Mộc Hóa nói riêng và nhân dân ta nói chung.
Nơi đây, lưu niệm một địa danh lịch sử "Vùng Bắc Chan". Căn cứ địa của Khu 8 trong thời kỳ đầu 9 năm kháng Pháp, đại điểm tiến hành đại hội tỉnh Đảng bộ đầu tiên Tỉnh Tân Mỹ Gò tháng 1/1953.
V. KHẢO TẢ DI TÍCH:
Đất Đồng Tháp Mười, xen kẻ với vùng gò là những vùng trũng thấp, ngập nước. Vùng Bắc Chan ở vào địa hình trũng thấp trong một tổng thể mênh mông đó. Bắc Chan thuộc xã Tuyên Thạnh nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây sát thị trấn Mộc Hóa cách 4km về hướng Tây Bắc. Ở Bắc Chan có tràm mọc thành rừng, đường giao thông chủ yếu là đường thủy. Quan trọng nhất là Rạch Bắc Chan chảy từ Vàm Cỏ Tây đến tận Hậu Thạnh (Tân Thạnh) và nối kênh Dương Văn Dương (một căn cứ cách mạng thời chống Pháp) bởi các con rạch nhỏ. Từ Rạch Bắc Chan có hai hệ thống đường thủy nữa là Kênh Ốp cắt ngang Rạch Bắc Chan trở thành một ngã tư (Rạch Ngã Tư) và Rạch Bình Tây (ngọn nhỏ). Tẻ từ Rạch Bắc Chan (ngả ba ngọn nhỏ) tạo ra một hệ thống kênh rạch chằn chịt len lỏi trong rừng tràm trở thành tuyến giao thông của đường cơ động, an toàn trong thế tiến thoái của một chiến khu cách mạng (Sau này tháng 7/1946 khi Mộc Hóa bị tấn công cơ quan khu bộ khu 8 đã theo Rạch Cái Rưng về Kênh Dương Văn Dương an toàn. Những cơ quan quan trọng như Công Binh Xưởng khu 8 được xây dựng bên cạnh những tuyến giao thông này để dễ dàng vận chuyển và khi cần sẽ phi tang bằng cách nhận chìm xuống sông.
Với vị trí trên Bắc Chan là nơi lý tưởng để xây dựng cơ sở ban đầu cho việc thành lập một chiến khu Cách Mạng, mà khu bộ khu 8 đã sáng suốt chọn lựa: đó là vị trí địa lí chiến lược và tiềm lực kinh tế do nhân dân đóng góp.
Với những điều kiện trên trong những ngày đầu năm 1946 khu 8 đã đặt trụ sở văn phòng làm việc ở nhà ông Nguyễn Văn Tịnh (hiện nay là nhà ông Lâm Văn Giám Ngọn Bình Tây – Bắc Chan II). Đó là căn cứ nhà ba căn có một chái bên phải, nhà được xây dựng bằng cây tràm, lợp bằng đưng lác bàng.
Hệ thống bệnh viện gồm 3 dãy cũng bằng tràm, đưng lác, đặt ở đất ông Võ Hữu Chí (nay là nhà ông Võ Tấn Mạnh Ngọn Bình Tây – Bắc Chan II) Các cơ sở khác nhà làm việc, đánh máy, xưởng giấy, trại huấn luyện, đóng quân cũng xây dựng bằng tràm, đưng, lác, bàng…
Công binh xưởng khu 8 được đặt trong những láng trại dã chiến bằng tràm, đưng,bàng, trên mảnh đất dài khoảng 70m rộng 50m của ông Trần Văn Viễn người địa phương, nay là đất bà Trần Thị Nhường sát con Rạch Bình tây, tràm mọc um tùm.
Tóm lại khu 8 trong những ngày đầu đã nổ lực khắc phục mọi khó khăn xây dựng chiến khu Bắc Chan bằng tiềm năng tại chỗ trên cơ sở đặc thù địa phương.
Đến tháng 1/1953 Đại đội tỉnh Đảng bộ đầu tiên tỉnh Mỹ Tho diễn ra ở Bắc Chan, ta cũng dựa vào đặc thù địa phương mà xây dựng cơ sở tiến hành Đại hội. Năm 1952 Bắc Chan vừa xảy ra lũ lụt. Việc tiến hành Đại hội khó khăn ta đã xây dựng một hội trường trên những gốc tràm được chặt ngang tạo thành một nhà sàn lớn, nhiều cột. Tại hội trường phía trên được lợp bằng bàng và một tấm bạc lớn. Tại hội trường chứa khoảng 200 đại biểu này có xây một kháng đài, tất cả đều bằng cây tràm. Địa điểm đó ngày nay nằm lọt vào phần đất của ông Trần Hữu Phước, dài khoảng 30m, rộng trên dưới 20m. Thời điểm đó là đất ông Trần Văn Tròn sát con Rạch Bắc Chan.
Ngày nay vùng Bắc Chan đã khác xưa, dân cư đông hơn, thiên nhiên được khai phá, trường học mọc lên. Thật là công bằng, Bắc Chan xưa chịu đựng bao gian khổ hy sinh một lòng theo cách mạng thì ngày nay Bắc Chan trờ thành một vùng đất sung túc với hai nguồn lợi chính là lúa và tràm, con đường Bắc Chan đi Thạnh Hưng được nâng cấp khang trang hơn.
Tóm lại di tích vùng Bắc Chan về địa ghi dấu bao sự kiện lịch sử vẫn còn đó, nhưng cảnh quan, môi trường theo thời gian đã hoàn toàn thay đổi.
VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH:
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sau bao sự kiện diễn ra ở Bắc Chan, những hiện vật có liên quan như những khẩu súng, những viên đạn làm ra từ tổ "Rờ-sạc" của khu 8, những dụng cụ y tế trong chiến khu… đến nay hầu như không còn nữa.
Tuy nhiên đây cũng là những thông tin bước đầu, còn phải xác minh. Chúng tôi đề nghị với địa phương có kế hoạch sưu tầm tất cả những hiện vật có liên quan đến sự kiện có thể còn tồn tại để trưng bày nhà truyền thống nhằm phát huy tác dụng di tích.
VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA DI TÍCH:
Di tích lịch sử "vùng Bắc Chan" là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của quân dân Khu 8 nói chung, của Mộc Hóa – Tân An nói riêng trên chiến khu Đồng Tháp Mười trong lịch sử 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Đây là điểm son trong trang sử vẻ vang của quân, dân Đồng Tháp Mười, là hiện thân sinh động chứng minh cho sự sáng suốt tài tình của Xứ Ủy Nam Bộ và Khu 8 đã vận dụng một cách linh hoạt đặc thù địa phương khi chọn nơi đây làm căn cứ cách mạng là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử sôi động lúc bấy giờ. Tạo ra một sự đối trọng trước những chiến chiến tranh mới của thực dân Pháp trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.
Di tích lịch sử "vùng Bắc Chan" là bằng chứng cho tinh thần quật khởi, lòng yêu nước nồng nàn của quân, dân Đồng Tháp Mười. Bằng trái tim và khói óc của mình đã khắc phục mọi gian khổ trong buổi đầu "tay không tấc sắt" xây dựng Bắc Chan thành căn cứ Cách Mạng của Khu 8 góp phần lớn lao vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Di tích lịch sử "vùng Bắc Chan" là chứng tích của một mắc xích trọng yếu và liên hoàn cùng những căn cứ khác để tạo nên chiến khu Đồng Tháp Mười: Một chiến khu vang danh trên thế giới đã trở thành biểu tượng anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Nam Bộ.
Di tích lịch sử "vùng Bắc Chan" là chiếc nôi cách mạng, nơi đã sản sinh ra những lực lượng võ trang đầu tiên của Khu 8 cũng như góp phần vào sự hình thành Ngành quân Giới Nam Bộ, tạo tiền đề cho công cuộc kháng chiến Chống Mỹ sau này.
Di tích lịch sử "vùng Bắc Chan" gợi nhớ cho chúng ta một quá khứ gian khổ hy sinh nhưng đầy liệt oanh của quân dân Khu 8 trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trên Đồng Tháp Mười.
Di tích là niềm tự hào dân tộc bất diệt của quân dân Mộc Hóa – long An nói riêng của quân dân ta nói chung trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược.
Ngày nay lịch sử đã sang trang, mảnh đất này với bao truyền thống hào hùng của cha anh trong kháng chiến sẽ là những giá trị tốt đẹp để thế hệ trẻ bảo lưu và phát huy hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.
VIII. TRẠNG THÁI BẢO QUẢN:
Di tích "vùng Bắc Chan" với sự kiện là căn cứ Khu 8 năm 1946 và là nơi diễn ra Đại hội tỉnh Đảng bộ đầu tiên tỉnh Tân Mỹ Gòn tháng 1/1951 cho đến nay đã qua mấy mươi năm, tác động của thiên nhiên, bàn tay con người và chiến tranh, nên vết tích xưa đã hoàn toàn thay đổi. Địa điểm ghi dấu bao sự kiện vẫn còn đó, nhưng bấy lâu nay chỉ dừng lại ở mức độ tài liệu chữ viết, chưa có hướng giải quyết nào để phát huy tác dụng.
IX. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG:
Để góp phần làm sống lại những sự kiện trên vùng Bắc Chan lịch sử này, đồng thời phát huy tác dụng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Truyền thống cách mạng ở địa phương, chúng tôi đề nghị các phương án sau:
- Trước mắt là quy hoạch xây dựng công trình bia triuền thống lưu niệm Khu căn cứ Bắc Chan đúng với tầm cở của sự kiện. (Về địa điểm chúng tôi đề nghị đặt tại cạnh phần đất nhà bà Võ Thị Ngâu (7 Ngâu).Gần trường PTCS Bắc Chan II – sát lộ Bắc Chan).
- Về lâu dài để du khách và nhân dân địa phương hình dung đượpc di tích cần nghiên cứu tìm dữ kiện phục hiện khu căn cứ thu nhỏ trên sa bàn, đồng thời sưu tầm tài liệu hiện vật có liên quan đến di tích trưng bày trong nhà truyền thống huyện, để giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương.
X. CƠ SỞ PHÁP LÝ BẢO VỆ DI TÍCH:
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh chúng tôi sẽ đính kèm biên bản, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích với sự xác nhận của các cấp thẩm quyền trong hồ sơ di tích.
XI. TÀI LIỆU BỔ SUNG THAM KHẢO:
1/ Gia định thành thông chí – Trịnh Hoài Đức – NXB Sài Gòn 1979.
2/ Địa phương chí tỉnh Tân An.
3/ Địa phương chí tỉnh Kiến Tường – Tài liệu lưu trữ tỉnh KT – XB 1963.
4/ Địa chí văn hóa Long An – NXBLA – KHXH 1989.
5/ Lịch sử Đồng Tháp Mười – NXB TP.HCM 1992.
6/ Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945 – 1975 – NXBQĐND HN – 1991.
7/ Lịch sử quân giới Nam Bộ 1945 – 1954 – NXBQĐND HN 1991.
8/ Tư liệu: Báo cáo tình hình Nam Bộ 1945 – 1949 số 16/phòng Nam Bộ K4. Bộ Quốc Phòng.
9/ Bản tọa đàm của Phòng KHLS và Đ/C Trần Văn Trà về Long An trong thời kỳ chống Pháp.
10/Phát biểu của thượng tướng Trần Văn Trà tại cuộc tọa đàm chuẩn bị cho công trình viết sử huyện Mộc Hóa 16/7/1968.
11/ Ghi từ lời kể của:
- Ông Nguyễn Minh Đường (Bí thư tỉnh ủy Tân Mỹ Gò – 1951).
- Ông Võ Tấn Mạnh, ông Nguyễn Văn Đền.